Đỗ Đình T có được hưởng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây ra thiệt hại” hay không?

Đối với điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS quy định tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội chưa gây thiệt hại” tuy nhiên trên thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều.

Điều 51 BLHS quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Hiện nay, việc hiểu và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) có trường hợp vẫn chưa thống nhất ảnh hưởng tới quyết định hình phạt người phạm tội.

Khoảng 20 giờ ngày 20/10/2022, Đỗ Đình T đi tới nhà kho ở nhà máy biến áp của thủy điện để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. T thấy có 7 tấm bảng mã kim loại (là một chi tiết máy trong máy biến áp mới chưa sử dụng đến để cạnh máy biến áp) T đã lén lút lấy 4 tấm đi ra khỏi vị trí ban đầu được 6 mét, sau đó T quay lại lấy thêm 3 tấm bảng kim loại nữa, khi vừa cầm 3 tấm bảng mã trên tay thì bị bảo vệ thủy điện phát hiện. T bỏ lại 7 tấm bảng mã và bỏ trốn, sau đó đến công an xã đầu thú. Kết luận định giá tài sản 7 tấm bảng mã có trị giá 6.000.000 đồng.

Có 2 quan điểm về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với Đỗ Đình T, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Đỗ Đình T được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS, bởi vì, hướng dẫn của VKSNDTC tại công văn số 994 /VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 cho rằng chưa gây ra thiệt hại tức là trường hợp hành vi phạm tội chưa có hậu quả về vật chất, ví dụ như trộm cắp tài sản nhưng chưa lấy được tài sản hoặc chưa dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Hành vi trên của Đỗ Đình T đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Trộm cắp tài sản”. Đỗ Đình T chưa chiếm đoạt được tài sản nên phải chịu TNHS về tội phạm chưa đạt theo Điều 15 BLHS và tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội nhưng chưa gây ra thiệt hại”.

Quan điểm thứ hai: Đỗ Đình T không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS, bởi vì chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội còn trong tình huống này không gây thiệt hại là do khách quan. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt với chưa gây thiệt hại.

Hành vi của Đỗ Đình T có đủ yếu tố cấu thành tội Trộm cắp tài sản với tình tiết phạm tội chưa đạt. Khi quyết định hình phạt thì dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 3 Điều 51 BLHS. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 57 quy định về xem xét giảm TNHS đối với trường hợp phạm tội chưa đạt. Do đó, T không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “không gây ra thiệt hại”.

Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của độc giả!

 

ĐẶNG ĐÌNH THÁI (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)

Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Long xét xử 4 bị cáo về tội "Trộm cắp tài sản" - Ảnh: Hồng Quyến